Tết Hàn Thực của người Việt chính là ngày 3 tháng 3 âm lịch hàng năm. Vào ngày này, người Việt sẽ làm món bánh trôi và bánh chay để cúng dâng lên ông bà tổ tiên. Tục lệ này không chỉ là nét đẹp văn hóa đặc sắc mà còn là một nét đẹp trong nền văn hóa ẩm thực của người Việt.

Nguồn gốc và ý nghĩa của Tết Hàn Thực?
Tết Hàn Thực có nguồn gốc từ Trung Quốc, dịch từ “Hàn thực” ra nghĩa tiếng Việt sẽ là “Tết ăn đồ lạnh”. Tuy ngày tết này bắt nguồn từ Trung Quốc nhưng ngày tết này của người Việt vẫn có nhiều điểm khác biệt và mang nét đặc sắc riêng của mình.
Đối với người Trung Quốc, tết Hàn Thực phải kiêng lửa, ngay cả việc nấu cúng giỗ cũng phải chuẩn bị đầy đủ từ hôm trước. Đối với người Việt, tết Hàn Thực vẫn nấu nướng bình thường như mọi ngày mà không cần kiêng lửa.

Ngoài ra, đồ cúng của người Việt cho tết này chính là bánh trôi và bánh chay – tượng trưng cho đồ ăn nguội, như chính ý nghĩa của 2 từ “Hàn Thực“. Người Việt thành kính dâng lên 2 loại bánh trên với ý nghĩa như dâng lên tấm lòng thành của mình, để tưởng nhớ công ơn sinh thành và dưỡng dục của ông bà tổ tiên.
Bánh trôi và bánh chay đều có lớp vỏ được làm từ bột gạo nếp. Nếp để làm 2 loại bánh này phải là nếp quê thì bánh mới thơm và dẻo.

Bánh trôi được nặn thành những viên bánh nhỏ, có màu trắng, nhân bánh là đường đỏ. Bánh trôi được luộc trong nước sôi cho chín. Khi chín, bánh sẽ nổi trên mặt nước, lúc này có thể vớt bánh ra, để nguội. Đây cũng chính là nguyên nhân bánh có tên là bánh trôi.
Còn bánh chay thì được nặn thành hình tròn và dẹt. Bánh không có nhân – vì vậy, bánh mới có tên là bánh chay. Khi ăn, bánh chay được cho lên đĩa và chan một ít nước đường lên để ăn cùng.

Truyền thống này đã được kế thừa qua nhiều thế hệ và đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi con cháu người Việt. Tuy nhiên, theo thời gian cùng với sự phát triển của xã hội, cùng với sự giao thoa của các nền văn hóa, Tết Hàn Thực hiện chỉ phổ biến ở các tỉnh miền Bắc và ở cộng đồng người Việt gốc Hoa.
Mặc dù như vậy, ngày tết này vẫn luôn đong đầy ý nghĩa khi nhà nhà vẫn háo hức chuẩn bị làm bánh trôi và bánh chay vào ngày 3 tháng 3 âm lịch hàng năm. Với hương thơm của đậu xanh, vị ngọt của đường kết hợp với vị dai dẻo của nếp quê, không khí Tết Hàn Thực vẫn luôn nồng ấm, yêu thương và tràn đầy thành kính.